Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội:
Khẳng định vị thế văn hóa, con người Thủ đô
VHO – Sau hơn 4 năm triển khai, việc thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành uỷ Hà Nội về phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025 đã đạt nhiều kết quả nổi bật; khẳng định nỗ lực, quyết tâm của Thủ đô trong việc phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Sáng 9.12, Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết các nhiệm vụ của Sở trong thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU.
Định hình văn hóa, con người Thủ đô
Trình bày báo cáo tổng kết, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho biết, với tinh thần quyết liệt trong thực hiện chương trình, công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý; chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn hóa, thu hút mạnh mẽ nhiều nguồn lực của xã hội tham gia vào tiến trình thúc đẩy quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Công tác rà soát quy ước, hương ước tại Hà Nội được thực hiện hiệu quả, với 100% thôn, tổ dân phố có quy ước, hương ước. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã giúp nâng cao chất lượng quản lý, giữ gìn an ninh trật tự và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Thành phố cũng triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, khen thưởng để tăng cường hiệu quả, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và thực hiện các tiêu chí văn hóa tại các cộng đồng dân cư.
Các phong trào quần chúng được phát động gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và phong trào xây dựng nông thôn mới thu hút đông đảo quần chúng tham gia, bước đầu hình thành nhiều mô hình về văn hóa và thể thao ở cơ sở.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn. Bằng việc tổ chức thành công Lễ hội thiết kế sáng tạo hàng năm, Thủ đô đã tạo ấn tượng mạnh mẽ và khơi dậy tinh thần sáng tạo trong cộng đồng.
Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Thủ đô đã dàn dựng trung bình 18 vở diễn mới mỗi năm, biểu diễn hơn 3.000 buổi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân và du khách. TP Hà Nội cũng tổ chức hơn 100 chương trình nghệ thuật quần chúng, duy trì các câu lạc bộ văn hóa cơ sở, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản, di tích, nhiều công trình văn hóa của thành phố được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô. Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hoá Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Hà Nội đã triển khai Đề án Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa với nhiều hoạt động thiết thực. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã giúp đội ngũ cán bộ nâng cao năng lực và kỹ năng, đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Sau đào tạo, cán bộ văn hóa trở nên năng động, tự tin và có đóng góp quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành và tham mưu hiệu quả cho TP Hà Nội.
Với tinh thần lan tỏa tri thức đến mọi tầng lớp nhân dân, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc với các hoạt động thiết thực, phục vụ 1.484.989 lượt bạn đọc tại thư viện, tổ chức 33 đợt trưng bày triển lãm sách báo và các phòng đọc chuyên đề…
Thành phố duy trì hiệu quả thư viện Dream Plus Library dành cho thiếu nhi và triển khai các dự án nâng cấp hệ thống thư viện, số hóa tài liệu. Các tọa đàm, sự kiện như Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc… đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về văn hóa đọc.
Động lực phát triển của Thủ đô
Với những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể được đưa ra tại Chương trình 06, văn hóa, con người Thủ đô đang được tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm.
Những chuyển biến tích cực trong phát triển văn hóa, con người Thủ đô thời gian qua đến từ sự quyết tâm triển khai thực hiện chương trình của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Văn hóa Thủ đô đang trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển du lịch, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Theo bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 06, một trong những nội dung được thành phố chú trọng triển khai là xây dựng môi trường văn hoá trong gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị… Việc xây dựng môi trường văn hoá trên địa bàn thành phố luôn gắn liền với thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
“Đặc biệt, UBND thành phố đã ban hành được 2 Bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) là QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố và QTƯX nơi công cộng. Sau hơn 7 năm đi vào cuộc sống, nhiều mô hình ở các cơ quan, đơn vị, trường học, nơi công cộng được nhân rộng trong thực hiện QTƯX đã cho thấy chuyển biến rõ nét về ứng xử thanh lịch, văn minh trong cán bộ, công chức, người dân, góp phần định hình văn hóa người Hà Nội trong giai đoạn mới”, bà Trần Thị Vân Anh cho hay.
Với tư cách là cơ quan thường trực của Chương trình 06, bà Trần Thị Vân Anh cho hay Sở VHTT Hà Nội đã nỗ lực, chủ động tham mưu cho Thành uỷ, UBND thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù; góp phần khơi thông nguồn lực phát triển văn hoá, con người Thủ đô.
Bên cạnh đó, thành phố đã bám sát Nghị định 86/2023/NĐ-CPcủa Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu gia đình văn hoá, thôn, tổ dân phố văn hoá, xã, phường, thị trấn tiêu biểu nhằm xây dựng nhưng tiêu chí riêng gắn với đặc thù về văn hoá, con người Thủ đô, dựa trên những tiêu chí khung.
Đánh giá lại các hoạt động đã triển khai của Chương trình 06, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, kết quả này không chỉ phản ánh sự nỗ lực và quyết tâm của TP Hà Nội, mà còn cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong đời sống văn hóa của người dân Thủ đô. Những kết quả đạt được sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Chương trình 06 cũng đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại các gia đình, nhà trường, cơ quan và cộng đồng. Các phong trào thể dục thể thao đã thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Đồng thời, việc duy trì các hoạt động văn hóa ở các thiết chế cũng đã góp phần tạo ra một không gian sinh hoạt phong phú, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân, đồng thời phát triển các giá trị văn hóa đặc trưng của Thủ đô.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, trong nhiều nhiệm kỳ, thành phố đều ban hành chương trình lớn về phát triển văn hóa, con người Thủ đô, trọng tâm nhiệm kỳ này là Chương trình số 06.
Gắn với thực hiện các nội dung của chương trình, thời gian qua, thành phố đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó phải kể Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; khẳng định vai trò quan trọng của thành phố khi được công nhận là thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Qua đó, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
“Từ những kết quả đã đạt được cho thấy, Chương trình 06 đã góp phần mạnh mẽ trong khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa, con người Thủ đô. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo của cấp ủy; đồng thời, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp trong thực thi chương trình. Cụ thể hóa các nhiệm vụ của chương trình cần bám sát yêu cầu thực tiễn, chú trọng khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của từng đơn vị, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có bản sắc riêng, tính cạnh tranh cao”, ông Đỗ Đình Hồng nêu.
Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị; cần tích cực, chủ động trong tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình ở đơn vị.
Trong quá trình kiểm tra, các cấp, các ngành cần chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Quan tâm vấn đề phát hiện, xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến thuộc các lĩnh vực. Tăng cường, quan tâm hơn nữa đến hiệu quả của công tác tuyên truyền.
Link bài https://baovanhoa.vn/van-hoa/khang-dinh-vi-the-van-hoa-con-nguoi-thu-do-114641.html