Vàng miếng SJC trở lại mốc 80 triệu đồng mỗi lượng vào đầu tháng 3 và mất hơn hai tháng để cán mốc 90 triệu đồng sáng 10/5. Trong đó, giá vàng tăng liên tiếp hơn tuần qua, tích lũy trên triệu đồng chỉ sau một đêm. Thậm chí trong ngày hôm qua, vàng nhảy lên mức giá mới chỉ tính bằng giờ và tăng hơn 3 triệu trong ngày.
Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo một công ty vàng có trụ sở tại TP HCM cho rằng với mức độ biến động hiện tại, quyết định mua phụ thuộc vào tâm lý và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Ông nói mỗi người nên tự trả lời cho câu hỏi: Nếu không mua vàng bây giờ, vài ngày nữa giá tăng liệu có tiếc hay không; ngược lại nếu mua, vài ngày nữa giá giảm liên tiếp có chịu nổi không.
Như trong đợt tạo lập đỉnh giá 80 triệu đồng ngày 26/12/2023, vàng từ vùng 70 triệu vọt lên mức mới sau hơn hai tháng. Tính riêng đợt tăng giá liên tiếp từ 74,4 triệu lên 80 triệu đồng, vàng tích lũy liên tục trong 10 phiên, trung bình tăng 560.000 đồng mỗi ngày. Tuy nhiên sau khi phá kỷ lục mới này, giá kim loại quý rớt thẳng 1,3 triệu đồng chỉ sau ba tiếng rưỡi. Vàng mất giá liên tục những ngày sau đó, rơi một mạch về 74 triệu đồng mỗi lượng sau gần hai tuần. Kim loại quý mang nhãn SJC chủ yếu giao dịch dưới 80 triệu trong suốt hai tháng đầu năm nay, trước khi bước vào chu kỳ tăng giá mới.
Tương tự, ông Nguyễn An Huy – chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm về thị trường vàng thuộc công ty FIDT, nói quyết định đầu tư nên phụ thuộc vào mục tiêu tài chính cá nhân của mỗi người, không nên dựa vào dự đoán diễn biến giá vàng trong hiện tại. Ông khuyến nghị một người dân ở tầng lớp trung lưu chỉ nên nắm giữ vàng với tỷ trọng 5-10% tổng tài sản.
Ví dụ, một người trẻ 25-30 tuổi, chưa có gia đình thường sẽ không có vàng trong danh mục đầu tư. Nhóm này có thể cân nhắc bổ sung một ít để tăng tính đa dạng hóa.
Ngược lại, những người cao niên có xu hướng chuộng mua vàng và kênh này chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục tài sản. Mặc dù có tính thanh khoản cao, không ai biết giá trị của chúng sẽ tăng – giảm ra sao vào thời điểm họ cần tiền. Nhóm này nên cân nhắc giảm tỷ lệ nắm giữ vàng về mức vừa phải, thay vào đó giữ một khoản dự phòng bằng tiền mặt trong các tài khoản tiết kiệm kỳ hạn 1 hoặc 6 tháng để hạn chế rủi ro về mức thấp nhất.
Còn việc nên mua vàng miếng hay nhẫn trơn, chuyên gia FIDT nhắc lại thực tế giá của hai loại này chênh nhau rất lớn, hiện tại là khoảng 14 triệu đồng mỗi lượng. Trong khi đó vàng nhẫn trơn có cùng chất lượng như SJC, nhưng giá lại không quá lệch so với thế giới.
“Những nhà đầu tư dài hạn nên ưu tiên mua vàng nhẫn trơn của các thương hiệu uy tín hơn là vàng miếng SJC tại thời điểm này”, ông Huy nêu quan điểm.
Theo chuyên gia, cơ quan quản lý đang có quyết tâm khắc phục tình trạng giá vàng miếng chênh lệch quá cao so thế giới và nhẫn trơn. Tuy việc tổ chức đấu thầu chưa thực hiện được mục tiêu này cũng như xoa dịu “cơn sốt” vàng, họ vẫn còn nhiều biện pháp khác như sửa đổi Nghị định 24, xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, thanh tra và giám sát kỹ hơn hoạt động mua – bán. Do đó, đây có thể là rủi ro đáng cân nhắc với nhà đầu tư.
[wpcc-iframe sandbox=”” frameborder=”0″ height=”500″ scrolling=”no” data-src=”https://flo.uri.sh/story/2374304/embed” width=”100%”]
Lãnh đạo một công ty vàng có trụ sở tại TP HCM có cùng quan điểm nên ưu tiên mua vàng nhẫn. Ông cho rằng việc cả hai loại có chất lượng như nhau, trong khi vàng nhẫn có mức độ ổn định hơn là “câu chuyện nói mãi nhưng chẳng ai chịu nghe”.
Trong khi đó, vàng miếng biến động mạnh và khó lường, nhiều giai đoạn đi ngược chiều thị trường thế giới do nguồn cung của loại này rất giới hạn khi chủ trương không nhập khẩu vàng chính ngạch đã kéo dài 12 năm qua và việc gia công cũng hạn chế. Vì vậy, cung – cầu đóng vai trò quyết định rất lớn đến giá vàng SJC.
Tương tự các kênh tài sản khác, tác động đến giá cả nhiều nhất vẫn là nhóm tạo lập thị trường (còn gọi là cá mập). Những nhà đầu tư nhỏ lẻ thường khó đoán định những nước đi của họ, nên thường là bên chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước những “cơn sóng” bất ngờ.
Tiểu Gu
Link bài https://vnexpress.net/co-nen-mua-vang-vao-luc-nay-khong-4744687.html